Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Khó thu phí sao chép nội dung số


ICTnews - Nạn xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra với rất nhiều hình thức, đặc biệt là trên các trang thông tin điện tử, blog,... và thậm chí cả các tờ báo điện tử. Có nhiều bài viết vừa "lên trang" đã được sao chép và công bố một cách "hồn nhiên" trên nhiều website, diễn đàn, blog.. khác.
Việc sao chép được tiến hành theo nhiều hình thức như sao chép toàn văn, trích lục từng phần.... Cá biệt, đã có những website "sống khoẻ" bằng cách dựa vào việc tập hợp bài viết của các tờ báo điện tử khác mà không hề có thù lao cho tác giả, thậm chí không hề "ngỏ lời" xin phép sử dụng bài viết của các tờ báo này.
Để hạn chế tình trạng bất cập nêu trên, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) đã đề xuất giải pháp cấp phép và thu phí sao chép nội dung, chủ yếu hướng tới nội dung số. Theo đó, những người có nhu cầu sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm sẽ phải nộp một khoản phí sao chép, và khoản phí thu được này sẽ được chi trả lại cho tác giả/người nắm quyền sở hữu tác phẩm để tác giả/người nắm quyền sở hữu tác phẩm được hưởng thù lao xứng đáng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Công ước Berne mà Việt Nam đã tham gia.
Ý tưởng có mục đích rất tốt, song việc hiện thực hoá còn phải trải qua một hành trình dài khá chông gai.
Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội VIETPRO thừa nhận hiện VIETRRO vẫn còn khá lúng túng. Đã có 1 số chủ diễn đàn, website liên hệ với VIETRRO đề nghị được cấp phép sao chép, ký hợp đồng đóng phí, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể xác định cách thức thu phí chi tiết, cụ thể. Việc xây dựng biểu phí rất khó. VIETRRO không thể biết một website sao chép chính xác bao nhiêu ấn phẩm trong một năm để thu phí đúng với thực tế sử dụng.
Mặt khác, trong bối cảnh cả nước có tới hàng vạn tác giả hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, VIETRRO khó có thể đàm phán với từng nhà xuất bản, tác giả, chủ sở hữu quyền. Vì thế dự kiến trước mắt sẽ áp dụng phương thức làm việc tập thể, chẳng hạn các phóng viên, nhà báo đăng ký uỷ quyền thu phí sao chép cho Hội Nhà báo Việt Nam, và Hội Nhà báo Việt Nam lại uỷ quyền cho VIETRRO thực hiện việc kiểm soát và thu phí hoạt động sao chép. VIETRRO sẽ thu phí sao chép của những người có nhu cầu sao chép. Khoản phí thu được sẽ được hồi lại cho Hội Nhà báo Việt Nam, và Hội lại tiếp tục hồi lại cho các nhà báo, phóng viên theo phương thức cào bằng, phân chia theo đầu người.
"Có thể liên tưởng việc thu phí sao chép nội dung hiện giờ giống như một khoảnh đất trống mới định hình dựng lên toà nhà, thực chất chưa xác định được phải có mặt bằng thế nào. Tuy nhiên, việc thu phí bắt buộc phải có. Dự kiến năm 2012 VIETRRO sẽ xây dựng được hệ biểu phí của mình và thành lập Hội đồng chuyên đàm phán thu phí sao chép với các tổ chức, đơn vị pháp nhân. Đối tượng đầu tiên hướng tới sẽ là Bộ Giáo dục & Đào tạo bởi hệ thống giáo dục đang có nhu cầu sao chép nhiều nhất trong các Bộ, ngành hiện nay", ông Bảo cho biết thêm.
Một lần nữa nhấn mạnh, cho phép hình thành thị trường mua bán, sao chép các nội dung số được xem là giải pháp nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Khi không thể ngăn cản nhu cầu sao chép của người dùng thì việc thu phí chí ít cũng sẽ khiến người dùng dần dần nhận thức đúng mức về quyền tác giả.
Cái khó hiện nay là chưa có chính sách, chế tài cụ thể xử lý các vi phạm về sao chép nội dung số, dẫn đến hệ luỵ người sử dụng vô tư "xài chùa". "Sắp tới, Bộ TT&TT cần sớm "vào cuộc" để có được hành lang pháp lý hoàn thiện hơn", ông Nguyễn Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Hội Trí thức Khoa học & Công nghệ trẻ (VAYSE) đề xuất
  
Trên thế giới, cấp phép đang là hoạt động cơ bản của các tổ chức về quyền sao chép (RRO - Reproduction Rights Organization) như VIETRRO. Các nội dung cấp phép của RRO gồm: trích dẫn có giới hạn; cho phép sử dụng; sao chụp và số hoá bằng quét ảnh (scanning); tải xuống, lưu trữ, in ra, phân phối nội bộ, phân phối ra bên ngoài; cấp cho các người dùng được uỷ quyền. Có 2 loại thoả thuận cấp phép: cấp phép cả gói cho toàn bộ người dùng (ví dụ các sinh viên trong trường, nhân viên trong doanh nghiệp); cấp phép theo từng giao dịch.
Ngọc Mai
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 155 ra ngày 28/12/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét