Thời sự - Xã hội

Khoai, sắn dạo đắt gần bằng thịt

Lên phố, các loại nông sản như ngô, khoai, sắn… bán rong bỗng dưng đắt khách và có giá. Vào những ngày trời đông giá rét, có những xe hàng rong kiếm được khoản lãi lên tới nửa triệu đồng mỗi ngày.
Đi rong trên phố, mỗi ngày, anh Đỗ Văn Thành (ở Khoái Châu, Hưng Yên) bán được khoảng 50 kg khoai nướng và 30 bắp ngô luộc. Anh cho biết, thường thì khoai lang nướng có giá khoảng 3.000 đồng một lạng (30.000 đồng một kg), còn ngô luộc thì 4.000-5.000 đồng một bắp.
Những ngày mùa đông, lượng bán ra tăng vọt, số người kinh doanh dịch vụ này cũng tăng lên nên nguồn hàng bấp bênh. Do đó, giá bán ra cũng bị đẩy lên, có khi lên tới 50.000 đồng một kg khoai lang luộc, 6.000 đồng một bắp ngô...
"Đắt gần bằng thịt", là nhận định của đa số khách hàng của những xe bán khoai, sắn rong kiểu này. Thậm chí, nếu nguồn cung ổn định, giá thịt cá còn có thể giảm đi. Nhưng với khoai, sắn bán rong trên phố, mức giá vẫn ổn định và thường chỉ tăng chứ không giảm.
Mỗi kg sắn dây luộc như thế này có thể cho lãi
Bán khoảng 20 kg sắn dây luộc, mỗi ngày, người bán thu lãi khoảng 400.000 đồng. Ảnh: Tuệ Minh
Chị bảo, ở quê, khoai hay ngô sau khi thu hoạch sẽ được phân loại riêng. Loại một, củ to, ngon thì bán cùng lắm được vài nghìn đồng một kg, còn loại hai, ba thì để ăn dần hoặc làm thức ăn cho gia súc.Nhưng lên phố, những mặt hàng này trở thành hàng "hot".
Chị Huyền, bán hàng ngô nướng cạnh cầu vượt trên đường Xuân Thủy tiết lộ, lấy hàng tại chợ Xuân Đỉnh, giá mỗi bắp ngô chỉ khoảng 1.500 đồng, có thời điểm rẻ chỉ khoảng 800 đến 1.000 đồng; khoai lang loại to, một kg giá chỉ khoảng 10.000 đồng.
Người bán cho biết, mỗi cân khoai được khoảng 5 củ, mỗi củ 2 lạng. Bán ra 4.000 đồng một lạng cũng đã được 40.000 đồng. Trừ mọi chi phí như than củi, lãi ít nhất 15.000 đồng một kg. Còn ngô, với giá gốc khoảng 1.500 đồng một bắp, sau khi trừ chi phí, chị cũng lãi được khoảng 20.000 đồng cho 10 bắp.
Mặt hàng này hút khách, đặc biệt là chị em công sở. Ảnh: Tuệ Minh
Còn chị Nguyễn Thị Hằng (Sơn Tây, Hà Nội) chuyên gánh hàng sắn dây luộc bán ở khu vực phố cổ, chia sẻ: Mức lãi thu được tại các phố này gấp nhiều lần so với bán ở cổng trường học. Trên phố, mặt hàng được nhiều người ưa thích là sắn dây luộc. Giá bán một kg sắn đã chế biến lên tới 40.000 đến 50.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá thu mua tại gốc của loại nông sản này cũng chỉ khoảng 8.000 đồng một kg.
Chị này tiết lộ, nhập hàng từ Kinh Môn (Hải Dương), giá sắn chỉ khoảng 7.000 đồng một kg mà củ to, đều và không bị sượng khi luộc chín. Mỗi lần lấy hàng, chị nhập khoảng 500 kg, để bán dần. Do đó, ngay cả khi đã tính hao hụt, mỗi kg sắn luộc chín, chị cũng lãi ít nhất 25.000 đồng. Mỗi ngày chỉ cần bán được 20 kg, chị cũng đã thu lời hơn 400.000 đồng trong khi mức bán ngày trung bình là trên 25 kg.
Tuy nhiên, những người bán khoai sắn rong cũng có những nỗi khổ riêng. Chị Huyền than thở, từ ngày làm nghề bán khoai, sắn rong trên phố, đồng hồ sinh học cũng bị đảo lộn. Nguyên nhân là thời gian hàng bán chạy chủ yếu từ 16h chiều đến 23h đêm, có khi đến 2-3h sáng hôm sau. Lúc người khác ngủ thì chị rong ruổi ngoài đường, khi họ đi làm thì chị lại ngủ.
"Nhìn bên ngoài thì số tiền chúng tôi kiếm được cũng nhiều, nhưng thực tế thì không phải vậy. Số tiền dành được cũng chẳng bao nhiêu", chị tâm sự. Theo lý giải của chị, những mặt hàng này chỉ bán được trong thời điểm nhất định như những ngày mùa đông, mưa rét, còn lại thì cũng không nhiều nên mức thu nhập 500.000 đồng mỗi ngày không đều.
Trong khi đó, hầu hết những người bán rong hầu hết đều là dân ngoại tỉnh. Lên Hà Nội, thuê nhà trọ, mỗi tháng, một người cũng mất ít nhất 800.000 đồng. Thêm chi phí sinh hoạt, ăn ở, thì việc kiếm được 500.000 đồng một ngày nhưng không đều đặn khiến việc trang trải cho cuộc sống ở thủ đô cũng không dư dả là bao, có người còn không đủ.
Tuệ Minh

Bin Laden xin lỗi các con trong di chúc

TTO - "Hãy tha lỗi cho cha vì không dành cho các con được gì ngoài chút thời gian nhỏ nhoi kể từ khi bố phát động phong trào jihad. Cha khuyên các con không nên tham gia mạng lưới Al-Qaeda", trùm khủng bố viết trong di chúc vừa được tiết lộ.


Osama và con trai Ali - Ảnh: Daily Mail
Osama và con trai Ali - Ảnh: Daily Mail

Daily Mail cho hay trong văn bản được coi là di chúc cuối cùng của Osama Bin Laden, trùm khủng bố so sánh mình với một vị vua của thế kỷ thứ bảy nhưng cho rằng các con cần tự đi theo con đường riêng chứ không sống vì tên tuổi của cha.

"Ông ấy không bao giờ yêu cầu tôi phải tham gia Al-Qaeda nhưng nói rằng tôi là đứa con trai được chọn để thực hiện công việc của ông ấy", Omar bin Laden - con trai thứ tư của Osama, đồng thời là tác giả của cuốn sách Growing Up Bin Laden viết về cuộc đời của trùm khủng bố, cho biết.

Trong trận càn hôm 1-5, con trai Khalid của Osama thiệt mạng cùng với cha. Một người con trai khác là Saad từng bị giết trong cuộc tấn công năm 2009.

Trong khi đó, bốn bà vợ của Osama được yêu cầu không được lấy chồng mới và phải tập trung vào việc nuôi nấng các con. "Đừng nghĩ đến việc tái hôn và hãy sống vì các con, dẫn dắt chúng đi theo con đường đúng đắn", di chúc viết.

Văn bản dài 4 trang này xuất hiện trên một tờ báo của Kuwait, không nhắc đến sự phân chia tài sản. Osama được cho là sở hữu khối tài sản trị giá 18 triệu bảng Anh từ cha mình - một trùm xây dựng ở Ả Rập Saudi.

Năm 2002, Washington Post từng đưa tin có một di chúc đề cùng ngày 14-12-2001 được coi là của Bin Laden nhưng Al-Qaeda cho rằng đó là văn bản giả mạo. Còn di chúc này hiện vẫn được cơ quan tình báo Mỹ xem xét tính xác thực.

Rohan Gunaratna - tác giả của cuốn Inside Al-Qaeda và là giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo động chính trị quốc tế - cho hay ông tin văn bản này là thật.

"Tôi không nghi ngờ gì. Mặc dù giọng điệu có vẻ đạo đức chủ nghĩa, Bin Laden có một phong cách quản lý khá hiện đại. Ông ta không muốn các con kế thừa những gì ông ta xây dựng nên. Ông ta muốn họ phải xây dựng sự nghiệp từ đầu", Gunaratna nói. Ông Gunaratna cũng xác nhận chữ ký dưới văn bản này là của Bin Laden.

Trong khi đó, Michael Scheuer - một cựu nhân viên CIA - cho rằng văn bản đó là giả mạo vì không thể hiện được cách nghĩ của ông trùm khủng bố. "Một điều không bao giờ xuất hiện trong các văn bản của ông ta là sự tuyệt vọng, trong khi di chúc này tràn ngập sự tuyệt vọng", Scheuer phân tích.

PHAN ANH