Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Tự đổi mới: Gốc của đổi mới

13/09/2011.

Có hai cách để đổi mới: Đổi mới những thứ bên ngoài và tự đổi mới bản thân. Thế giới đang biến đổi với tốc độ chóng mặt, nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, ta cần phải đổi mới.

Thông thường, người ta chọn cách đổi mới những thứ bên ngoài, chẳng hạn như thay đổi chỗ làm từ công ty này sang công ty khác, hoặc chuyển sang dự án mới.

Cách này có vẻ dễ thực hiện và được ưa chuộng, nhất là đối với những người đã có kinh nghiệm phỏng vấn tìm việc, vì khi đến chỗ mới người ta sẽ có lợi thế từ kinh nghiệm của nơi cũ và có điều kiện học thêm những điều mới mẻ. Từ đó sẽ hăng say và hào hứng làm việc hơn.

Một số ít người chọn cách tự đổi mới bản thân. Cách này sẽ khiến ta khó chịu, khổ sở hơn, nhưng đó mới là cái gốc của đổi mới.

Và khi ta đã rèn được thành thói quen tự đổi mới và biến thách thức thành thích thú, đam mê, thì điều đó sẽ cho ta nền tảng vững chắc để tiến bộ và vươn lên.

Thế giới luôn thay đổi, thế nên ta không thể thay đổi thế giới mà cần thay đổi chính mình để thích nghi.

Ý niệm này được thể hiện rõ qua lời của một mục sư người Anh: “Khi tôi còn trẻ, trí tưởng tượng của tôi không giới hạn. Tôi mơ ước có thể thay đổi cả thế giới này. Khi trưởng thành và già dặn hơn một chút, tôi nhận thấy thế giới chẳng đổi thay gì cả.

Vì vậy, tôi thu hẹp ước mơ của mình và quyết định sẽ làm thay đổi đất nước tôi. Nhưng dường như đất nước tôi cũng chẳng có gì dịch chuyển. Khi lập gia đình, tôi đã cố gắng hết sức hòng làm thay đổi gia đình tôi và những người thân của tôi.

Nhưng họ chẳng mảy may có ý tưởng gì về điều đó. Và giờ đây, khi đang hấp hối trên giường tôi chợt nhận ra, chỉ khi nào thay đổi được bản thân thì tôi mới thay đổi được gia đình tôi...”.

Nhiều công ty, cá nhân nổi lên nhờ tự đổi mới, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại rơi vào tụt hậu vì quá tự mãn. Họ đã nhanh chóng quên rằng mình nổi lên được là nhờ tự đổi mới.

Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ thông tin không còn xa lạ với nhiều người, thì tốc độ đổi mới của ta cũng ngày càng phải gia tăng. Phải biến tự đổi mới thành văn hóa! Hãy học loài chim ưng: Đến 40 năm tuổi, móng vuốt chim ưng dài ra, mềm đi khiến nó không còn bắt và quắp mồi được nữa. Cái mỏ dài và sắc của nó cũng cùn đi, cong lại...

Đôi cánh trở nên nặng nề với bộ lông mọc dài làm nó vất vả khi bay lượn, bắt mồi. Lúc đó, nó đứng trước hai lựa chọn: Một là cứ để như vậy và chịu chết. Hai là nó sẽ phải tự trải qua một tiến trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày: nó bay lên một đỉnh núi đá và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ mòn, gãy đi.

Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau năm tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm 30 năm nữa.

Như vậy, để tồn tại, ta phải tự đổi mới. Đôi khi cần phải loại bỏ những ký ức, quá khứ, thói quen già cỗi, đồng thời cần có hoài bão lớn ở tương lai.

Khi đó chúng ta mới đi đúng hướng, mới thoát khỏi vùng tự mãn. Ta phải sửa chính cái mình đã lập ra và vượt lên chính mình. Việc này chắc chắn là sẽ gian khổ nhưng cũng là cơ hội để ta vươn lên một tầm cao mới.

TS. PHAN QUỐC VIỆT - Tâm Việt Group
l.d.t.n - suutam. http://doanhnhansaigon.vn

1 nhận xét:

  1. "Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau năm tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm 30 năm nữa.".

    THÚ VỊ QUÁ !

    Trả lờiXóa