Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Sức Mạnh Của Những Thắng Lợi Nhỏ


Sức ép và sự phiền nhiễu trong cuộc sống dễ khiến bạn không chú ý đến những thành công nhỏ. Hãy điểm lại trong những ngày gần đây xem bạn có đạt được thành công nào đó mà bạn không nhận ra không?


Bài viết của Terese Amabile và Steven Kramer.Terese Amabile là bút danh của Giáo sư Edsel Bryant Ford, Khoa Quản trị Kinh doanh trường Thương mại Harvard. Bà nghiên cứu về những điều giúp con người năng động, hiệu quả, vui vẻ và hãnh tiến trong công việc. Steven Kramer là nhà tâm lý và nhà nghiên cứu độc lập.
Khi bạn phải vượt qua cả núi khó khăn, thông thường, cách tốt nhất là chia nó ra thành những đụn nhỏ dễ trèo hơn. Theo nhà tâm lý học Karl Weick thuộc Đại học Michigan, tốt nhất nên chia những vấn đề xã hội lớn thành những vấn đề nhỏ hơn để giải quyết, với những mục tiêu cụ thể có khả năng đạt được.
Những vấn đề xã hội lớn như nạn thất nghiệp thường quá lớn để có thể tìm được giải pháp, bởi vậy người ta thường tránh phải xử lý chúng hoặc, giải quyết chúng với những chương trình lớn nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Chia nhỏ những vấn đề như thế thành một loạt các bước vừa phải hơn theo lộ trình hướng tới một mục tiêu cuối cùng, sẽ giúp giảm mối lo ngại, làm rõ ràng hướng đi và tăng khả năng thành công sớm, tăng cường hỗ trợ cho hành động tiếp theo.
Sức mạnh của những thắng lợi nhỏ có thể áp dụng với những vấn đề trong kinh doanh. Nghiên cứu mới đây của chúng tôi chỉ ra sự quan trọng của việc giành được những thắng lợi nhỏ đều đặn của nhóm hay các cá nhân đơn lẻ khi giải quyết các vấn đề phức tạp. Thất bại thường rất phổ biến khi giải quyết những vấn đề thực sự quan trọng, khiến người ta dễ nản lòng, trừ khi họ đạt được một vài tiến triển, dù rất nhỏ hay thậm chí chỉ là những đúc rút từ thất bại. Chiến lược này đưa tới mục tiêu dài hạn.
Giáo sư Đại học Stanford, Bob Sutton, đã viết trong cuốn sách "Sếp giỏi, sếp tồi" (Good Boss, Bad Boss) của mình rằng "những mục tiêu lớn và táo bạo" thường không những dễ làm người ta nản lòng mà còn quá hiển nhiên và quá chung chung để có thể áp dụng vào các công việc hàng ngày. Tương tự như thế, tác giả Peter Sims cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mục tiêu gia tăng dần trong cuốn "Những cá cược nhỏ" (Little Bets).
Có một khía cạnh đáng ngạc nhiên của tất cả vấn đề trên là: để duy trì được cảm xúc tốt, mỗi chúng ta cũng cần những thắng lợi nhỏ trong chính cuộc sống cá nhân của mình.
Trong cuốn sách Feeling Good, tác giả - tiến sĩ David Burns đã bàn về tầm quan trọng của việc theo dõi, phản ánh và ca ngợi không chỉ dành cho những thành tựu lớn mà cả những thành công nhỏ. Quan tâm tới những thắng lợi nhỏ có thể giúp chúng ta tránh được cảm giác chán nản, đây là một trong những nguyên lý của liệu pháp nhận thức hành vi.
Chẳng hạn, những người đang chán nản cảm thấy khó khăn trong việc duy trì một chương trình tập thể dục mặc dù bất kì hình thức hoạt động thể chất nào cũng giúp giảm bớt triệu chứng trầm cảm. Vì thế những mục tiêu như tập luyện trong phòng thể hình một tiếng mỗi ngày trở thành không tưởng và tất nhiên chẳng bao giờ đem lại hiệu quả.
Theo tiến sĩ Burns, có lẽ bạn cho rằng mình phải làm mọi việc một lúc thay vì chia nhỏ việc ra thành những việc nhỏ, tách biệt và có khả năng xử lý được giúp bạn có thể hoàn thành chúng từng bước một".
 Điều này có nghĩa là, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn bắt đầu bằng một mục tiêu vừa phải, đơn giản như dạo bộ quanh khu nhà. Bằng việc theo dõi sự thành công khi đặt được mục tiêu như vậy và tự tán dương thành quả đạt được, những người cảm thấy thất vọng có thể bắt đầu xây dựng những mục tiêu lớn hơn và tận hưởng những thành công lớn hơn.
Minh họa: san-pham-cao-su
Những thành công nhỏ trong cuộc sống riêng có thể khiến tất cả chúng ta cảm thấy thoải mái hơn. Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những sự kiện lớn trong đời thường ít khi có tác dụng lâu dài trong hạnh phúc chủ quan.
Chẳng hạn, trúng số không khiến người ta cảm thấy hạnh phúc dài lâu. Nhưng theo Giáo sư  Daniel Mochon của Trường Quản lý Sloan và các đồng nghiệp, những gia tăng nhỏ đều đặn từ những hoạt động bình thường lại mang lại hiệu quả tích lũy lâu dài. Nghiên cứu chỉ ra rằng với những người đều đặn tham gia các buổi lễ tôn giáo cảm thấy hạnh phúc hơn sau mỗi lần tham gia và niềm vui đó gia tăng theo thời gian. Họ càng tham gia thường xuyên thì càng cảm thấy hạnh phúc hơn. Kết quả mang lại tương tự với các bài tập luyện và yoga đều đặn.
Sức ép và sự phiền nhiễu trong cuộc sống dễ khiến bạn không chú ý đến những thành công nhỏ.Hãy điểm lại trong những ngày gần đây xem bạn có đạt được thành công nào đó mà bạn không nhận ra không?
 Hãy nghỉ ngơi một chút và tự biểu dương bản thân vì thành công ấy. Và nếu muốn, hãy chia sẻ với bạn bè bạn để nhận được lời chúc mừng đầy khích lệ của họ.


Theo VEF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét