Ngoài yếu tố bất bình đẳng giới, một số đại biểu Quốc hội còn bức xúc với những quảng cáo nhằm vào trẻ em, dẫn tới thói quen xấu hoặc có hình ảnh nhạy cảm.
Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Quảng cáo và Nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2012. Đây là 2 chủ đề nóng mà dư luận đang quan tâm trong thời gian qua, nhất là những vấn đề liên quan đến quảng cáo.
Năm 2010, doanh thu toàn ngành quảng cáo đạt 200.000 tỷ đồng và là lĩnh vực phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh, gây bức xúc cho dư luận, trong khi các văn bản pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh kịp và bộc lộ những điểm còn hạn chế.
Tại buổi thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng cần sớm ban hành Luật để lập lại trật tự thị trường khi các yếu tố thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa trong các clip quảng cáo đang ngày càng bị xem nhẹ.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng đã đến lúc các đơn vị chức năng cần giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Có quá nhiều quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và người tiếp nhận không biết khiếu nại với ai", ông nói.
Ông Tuyết đề nghị Luật nên bổ sung thêm điều khoản tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật cần đăng thông tin đính chính bằng với thời lượng đã phát. Bên cạnh đó, Luật cần bổ sung thêm mức xử phạt đối với các hành vi này.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt, đoàn Vĩnh Phúc cũng cho rằng mục đích tốt đẹp của hoạt động quảng cáo chỉ có thể đạt được khi nội dung trung thực. Thế nhưng, hiện nay khá nhiều clip quảng bá sản phẩm sai sự thật, tác động xấu đến nhận thức của người tiêu dùng. Khá nhiều clip đang vô tình cổ súy cho hoạt động bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử phụ nữ và trẻ em.
Bà Nguyệt nêu thực tế, trên truyền hình đang xuất hiện khá nhiều đoạn quảng cáo giới thiệu sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh... Hầu hết các nhân vật trong clip quảng cáo là phụ nữ đang chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh hoặc giặt giũ quần áo...
Trái ngược lại hình ảnh này là các clip về người đàn ông đầy nam tính trong các hoạt động vui chơi giải trí, uống nước, đi xe hơi, nghe điện thoại xịn hoặc nằm ườn xem tivi... "Như vậy chính các quảng cáo này tự động phát đi một thông điệp méo mó là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ gia đình, lo việc phục vụ chồng, chăm con", bà Nguyệt nói.
Bà Nguyệt cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm điều khoản cấm các quảng cáo có nội dung tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người xem về sự phân biệt đối xử không công bằng giữa nam và nữ.
Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM) cho rằng trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất và hay học theo quảng cáo. Do vậy, Luật cần đưa thêm quy định cấm quảng cáo có các hình ảnh cường điệu đến mức siêu nhiên.
Đồng tình với quan điểm này đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định đề xuất bổ sung thêm các điều khoản "bảo vệ trẻ em dưới 18 tuổi" để tránh bị tác động bởi các clip, hình ảnh quảng cáo nhạy cảm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của trẻ.
Đại biểu Cảnh cũng nêu một thực tế, hiện nay để tăng thêm sự hấp dẫn của quảng cáo, doanh nghiệp thường mời các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng về quảng bá cho sản phẩm. Việc sử dụng giới nghệ sĩ quảng bá sản phẩm có tác động lớn đến sự tiếp nhận thông tin của người xem. "Do vậy, người thực hiện quảng bá sản phẩm phải có trách nhiệm về những hành động và lời nói của mình", ông Cảnh nêu ý kiến.
Đối với các sản phẩm dành cho trẻ em như sữa, bột dinh dưỡng, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh cũng cho rằng cần phải gắn với yếu tố văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, các khuyến cáo cần phải rõ ràng, minh bạch, tránh sự mù mờ, gây hiểu lầm.
Bà Khá nêu ví dụ, quảng cáo về sữa dành cho trẻ em có câu: "Sữa mẹ là tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" nhưng đoạn clip này lại phát quá nhanh, khiến không ai hiểu được. Chưa kể, khá nhiều clip quảng cáo đang dạy trẻ nói dối như giả vờ đau bụng, bụm miệng không chịu ăn. Có trẻ nhỏ xem xong đã học theo cách thức này. "Tôi đề nghị cần phải làm rõ các yếu kể trên, đồng thời lời khuyến cáo cần rõ ràng vì nhanh quá có thể người ta rất nhầm lẫn nghe không kịp", bà Khá nói.
Hồng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét