Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

COIMEX và SẢN PHẨM SURIMI Các sản phẩm của Coimex được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt

Blog Cao su Việt trích đăng lại bài đăng trên Báo Sai gòn Giải Phóng về công ty Coimex.

Cao su Việt vinh dự là nhà cung cấp da cao su tách xương cá cho Coimex từ nhiều năm nay.

 

Khẳng định thương hiệu Surimi Việt Nam trên thị trường quốc tế 

 

TGĐ Lê Văn Kháng (trái) làm việc với đối tác Hàn Quốc
 tại chuyến đi xúc tiến thương mại vào tháng 8-2012

Đã dùng sản phẩm chả cá, người tiêu dùng không thể không biết đến Surimi của COIMEX và Tổng giám đốc COIMEX Lê Văn Kháng (Hai Kháng) - người Việt đầu tiên mang công nghệ Surimi về Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ủy viên thường vụ hội nghề cá Việt Nam. Từng thành công với thương hiệu COIMEX cùng sản phẩm chủ lực là Surimi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Năm 2012 là năm đánh dấu sự thành công vượt bậc của sản phẩm Surimi Việt Nam trên thị trường EU. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này. 

 

 

- Thưa ông, xuất phát từ đâu mà ông quyết định đầu tư nhà máy sản xuất chế biến có công nghệ hiện đại, để biến "những con cá tạp" thành sản phẩm Surimi uy tín, chất lượng như hiện nay? 

 

- Giữa những năm 90, nghề khai thác đánh bắt hải sản gặp rất nhiều khó khăn, ngư trường ngày một xa, nguyên vật liệu phục vụ cho công tác khai thác, đánh bắt ngày một đắt đỏ, sản phẩm đánh bắt lên bờ không tiêu thụ được vì đến 70% cá tạp. Điều đó có nghĩa là 70% sản lượng đánh bắt không xuất khẩu được, tiêu thụ nội địa không hết. Tôi đã cùng đứng bán và chứng kiến cảnh nhân viên đứng cả ngày bán không hết vài tấn cá, phải đem đi làm khô, làm mắm, thậm chí khi thời tiết không thuận lợi, sản phẩm còn phải bỏ đi, làm phân bón. Lúc đó ở Bà Rịa – Vũng Tàu chưa có một cơ sở sản xuất chế biến thủy hải sản nào, sản phẩm xuất khẩu thường chỉ được sơ chế và đưa đi, tôi luôn trăn trở làm thế nào để tiêu thụ hết sản lượng hải sản đánh bắt được, không chỉ cho công ty mà còn tiêu thụ cho ngư dân. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu về công nghệ chế biến Surimi (chả cá) là một loại sản phẩm được chế biến từ các loại cá tạp nhưng cho giá trị dinh dưỡng cao và giá trị kinh tế lớn. 

 

Sản phẩm tôm làm từ Surimi

 

Trong một chuyến đi xúc tiến thương mại tại Mỹ, được giới thiệu với một đối tác Hàn Quốc chuyên tận dụng cá tạp để chế biến Surimi, tôi liền tìm hiểu, tham quan dây chuyền sản xuất và quyết định nhập về. Hơn 10 năm lăn lộn với Surimi và gần 10 năm với Surimi Mô phỏng, hiện tại chúng tôi đang là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường EU và Liên bang Nga. 

 

- Đã có ý kiến cho rằng, ông đã làm những điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm, đó là cam kết mua hết toàn bộ sản phẩm của ngư dân. Điều này có ý nghĩa gì, thưa ông? 

 

- Điều này có ý nghĩa rất to lớn đối với tôi và cả công ty, đây là tâm huyết cả đời của tôi hằng ấp ủ. Bà con ngư dân mình khổ nhiều rồi, tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho đời sống người dân. Không chỉ làm kinh tế cho riêng mình mà tôi còn mong muốn tạo ra nghề nghiệp ổn định cho người dân tại quê hương, giúp bà con làm nghề chài lưới an tâm khi ra khơi đánh bắt, họ phải chắc chắn được rằng các sản phẩm mà họ đánh bắt được sẵn sàng có nơi tiêu thụ với giá cao. 

 

Một phần nữa là việc cam kết mua sản phẩm của ngư dân sẽ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất. Khi ngư dân yên tâm với đầu ra của mình thì doanh nghiệp cũng sẽ ổn định được nguyên liệu đầu vào. 

 

 

- Thực tế cho thấy tình hình xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt hiện đang gặp nhiều khó khăn, thế nhưng với COIMEX có được khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài dễ dàng. Ông có thể chia sẻ "bí quyết" gì cho doanh nghiệp hiện nay? 

 

- Không có điều gì là dễ dàng cả, vượt qua bao khó khăn, vất vả COIMEX mới có được như bây giờ. Đến nay, sản phẩm của công ty đã vươn ra hơn 20 thị trường quốc tế gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Estonia, Thái Lan, Ucraina, Singapore,… Riêng EU, COIMEX là nhà cung cấp Surimi lớn nhất của Việt Nam cho khối này, trong đó chủ yếu là Pháp và Italia với các mặt hàng Surimi mô phỏng là chính. 

 

Việc sản xuất mặt hàng này khá phức tạp và tinh tế. Trước tiên là lựa chọn nguyên liệu, phụ gia (có mùi vị đặc trưng của tôm, cua, bạch tuộc…) và phối trộn để tạo nên sản phẩm gần tự nhiên. Để các sản phẩm này có sức thuyết phục đối với khách hàng đặc biệt kỹ tính như Nhật và EU, COIMEX đã học hỏi sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ phía các nhà nhập khẩu, đồng thời công ty cũng trông chờ và tin cậy vào một đội ngũ cán bộ lành nghề, biết tiếp thu những hướng dẫn và bí quyết phối chế của các chuyên gia. Điển hình như phân xưởng chế biến tôm surimi, với dây chuyền sản xuất hiện đại từ Hàn Quốc những thành phẩm trông rất sinh động và hấp dẫn bởi màu sắc và khuôn hình con tôm làm từ Surimi. Khi mới nhìn qua sản phẩm, nếu không được nói trước chắc nhiều người sẽ khó nhận ra đây không phải là con tôm tự nhiên, các loại sản phẩm này rất được thị trường Pháp và Italia ưa chuộng. 

 

Hiện nay nhu cầu Surimi vẫn rất lớn, đơn hàng của công ty có nhiều do loại sản phẩm này rất phổ biến và dễ sử dụng khi đã được chế biến thành sản phẩm mô phỏng. Hơn nữa, surimi của Việt Nam có thể sản xuất quanh năm, không bị cạnh tranh nhiều với các đối thủ của một số nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này giúp cho COIMEX hiện là một trong những nhà xuất khẩu Surimi lớn nhất tại Việt Nam. 

 

- Trong tình hình khó khăn chung của ngành thủy sản hiện nay, các giải pháp vượt khó của COIMEX là gì thưa ông? 

 

- Cũng nằm trong tình trạng chung của các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay, vấn đề nguyên liệu đang là nỗi lo lớn nhất của lãnh đạo công ty. Nguồn cung cấp nguyên liệu đang rất khó khăn, công ty đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng địa bàn thu mua ra các tỉnh để có nguyên liệu đảm bảo hoạt động sản xuất. Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu nguyên liệu chủ yếu là do nguồn lợi vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đã cạn kiệt, biến đổi khí hậu cũng có một phần tác động và ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất là giá cả nhiên liệu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác đánh bắt hải sản. 

 

Tuy nhiên, cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, cùng với sự nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ công nhân viên trong công ty, COIMEX đã xây dựng thành công thương hiệu Surimi Việt Nam trên thị trường quốc tế nhờ chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Tất cả các sản phẩm Surimi, Surimi mô phỏng của COIMEX đều đạt các tiêu chuẩn như HACCP, Halal, GMP, BRC, ISO 9001: 2008 và có code DL 286… COIMEX đã sớm xây dựng phòng thí nghiệm kiểm tra vi sinh và phòng KCS kiểm tra chất lượng Surimi. Bởi theo quan niệm của chúng tôi, chất lượng sản phẩm là "chữ tín" với khách hàng, với người tiêu dùng và với cả các đối tác kinh doanh. 

 

 

Các sản phẩm của Coimex được
kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt

 

- Như ông đã nói, công ty không chỉ dừng lại với sản phẩm Surimi, vậy kế hoạch sắp tới của COIMEX là gì thưa ông? 

 

- Nhờ giữ vững tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và có chiến lược hợp lý nên thời gian qua mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều biến động nhưng COIMEX vẫn giữ được uy tín thương hiệu, doanh thu tiếp tục tăng. Thị trường chủ yếu của Coimex vẫn là các nước châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha… ngoài ra còn có một số nước ở châu Á, châu Mỹ. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh công tác nuôi trồng thủy sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho công ty cũng là góp phần giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo. 

 

Mặc dù còn muôn vàn khó khăn ở phía trước, nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm của gần 20 năm sản xuất và kinh doanh mặt hàng Surimi, COIMEX luôn đặt ra cho mình mục tiêu sản xuất năm sau cao hơn năm trước. 

 

Năm 2012, COIMEX phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu tăng 10% so với năm 2011, trong đó sẽ tiếp tục đẩy mạnh các thị trường truyền thống có giá trị cao như Pháp, Italia và Nhật Bản; tăng 200% sản lượng sản phẩm Surimi mô phỏng và tiếp tục mở rộng sang các thị trường ở khu vực Bắc Mỹ và Liên bang Nga. 

 

- Xin cảm ơn ông.

 

http://sggp.org.vn/kinhte/tugioithieu/2012/10/300390/



--
Blog Cao su Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét